Chuyện về một người thản nhiên làm từ thiện

31/05/2021

Khánh thành ngôi trường đầu tiên tại Mường Lát vào năm 2014, xúc động khi nhận được bức tranh non nước từ một thầy giáo vẽ tặng, Phạm Đình Quý đã chẳng thể ngờ đây chính là khởi đầu cho hành trình "cắm bản xây trường" của anh trong suốt 7 năm qua.

Những ngày vừa qua, không khí làm từ thiện trên facebook Phạm Đình Quý dường như sôi động và náo nhiệt hơn hẳn bình thường. Với sự gửi gắm từ một đơn vị hảo tâm, anh đã điều phối cấp tốc 1 triệu chiếc khẩu trang y tế tới các vùng có dịch. Lướt lên hai tin, lại thấy anh kết nối thành công 200 triệu đồng, cùng nhiều nhu yếu phẩm tới các cháu bé bị cách ly xa gia đình ở Điện Biên. Rồi tin anh đang tìm đơn vị để ủng hộ 100 ngàn bộ quần áo bảo hộ y tế. Tin anh cùng đội thợ hoàn công ngôi trường từng bị bão kéo sập ở Nam Trà My…

Phạm Đình Quý cho biết, theo ghi nhận thì quỹ thiện nguyện do anh quản lý không có sự sụt giảm trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19. Dù có việc các công trình bị chậm tiến độ, hoàn thành muộn so với dự kiến, nhưng là vì giãn cách không thể chuyển vật liệu, chứ chưa bao giờ do thiếu tiền. Mặt khác, bản thân anh cảm nhận các nhà hảo tâm đang ủng hộ nhiều hơn, tinh thần sôi sục hơn để chi viện cho đồng bào, chiến sĩ trong tâm dịch.

Phạm Đình Quý cũng chia sẻ, cả tuần vừa qua tiền ủng hộ gửi tới Quỹ những tấm lòng nhân ái của anh “nổi” từng phút một. Dù vậy, anh vô cùng trân trọng từng đóng góp của mỗi cá nhân. Những người ủng hộ 50, 100 nghìn đối với anh cũng đáng quý như những người ủng hộ tiền triệu, trăm triệu. Anh vẫn tự tay nhập quỹ, vừa để không nhầm, vừa để nhớ tên, đọc nội dung chuyển khoản do nhà hảo tâm gửi gắm. Công việc đó giúp anh có nhiều cảm xúc và động lực.

Sinh năm 1972, Phạm Đình Quý là kiến trúc sư và còn từng là giám đốc của một công ty xây dựng. Nhưng rồi công ty gặp rủi ro, vừa buồn lại vừa không có việc, anh theo bạn bè lên núi làm từ thiện cho khuây khỏa.

Nhờ cơ duyên đó mà trong chuyến từ thiện đầu tiên tại trường Trung Lý, Mường Lát – Thanh Hóa, anh đã được chứng kiến đời sống khó khăn của các em nhỏ. Lũ trẻ phải học trong những lớp học tồi tàn, lạnh đến tím tái. Hình ảnh đó cứ hiện về, đưa đến anh rất nhiều suy tư.

Với suy nghĩ mãnh liệt muốn làm gì đó cho các em nhỏ ở vùng cao, anh Quý đã đứng lên kêu gọi bạn bè quyên góp, rồi chính tay anh thực hiện công trình. Tuy dự định để hoàn thiện ngôi trường đầu tiên cần 400 triệu đồng, nhưng cả nhóm chỉ gom góp được vài chục triệu. Vậy là trên tinh thần có đến đâu làm đến đó, anh cắm bản hàng tháng trời, kêu gọi bà con ra làm cùng.

Số tiền ủng hộ vào trường Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa lúc đó lên đến 670 triệu. Không chỉ giúp Phạm Đình Quý hoàn thiện ngôi trường, mà anh còn làm thêm bếp, thêm phòng bán trú, khu vui chơi cho lũ trẻ. Làm xong thấy tiền vẫn còn, anh quyết chí đi tìm và xây ngôi trường thứ 2, thứ 3…

Trong những chuyến đi đầu tiên, do chưa tự tin có thể giúp được bà con, Phạm Đình Quý chỉ dám lên bản một cách lặng lẽ, tránh mọi sự phiền hà. Anh nhờ thầy cô cung cấp địa chỉ, sau đó tự mình phóng xe đến, đo đạc rồi chụp ảnh. Trở về nhà, anh lên bản vẽ, dự toán, gửi cho nhà hảo tâm để họ cân nhắc có hỗ trợ được hay không. Mãi cho đến lúc nhận được cái gật đầu của họ, cảm xúc trong anh mới thật vỡ òa.

Theo tính toán của KTS. Phạm Đình Quý, trung bình một điểm trường xây hết 500 triệu, nhà dành cho học sinh nghèo hết 100 triệu. Một điểm trường cần khoảng 10 tấn xi măng, 30 tấn cát và xấp xỉ 10.000 viên gạch.

Hằng ngày, anh tập trung vào chăm chút công trình như chăm chút ngôi nhà của chính mình. Thông qua facebook, anh đăng ảnh, kể chuyện về các em nhỏ, về thầy cô giáo, về cuộc sống của người dân nơi mình đang ở để chia sẻ với cộng đồng mạng. Anh cũng không bao giờ quên cập nhật thu, chi của từng công trình lên facebook cá nhân. Vì vậy đến 5, 7 năm sau, nếu ai hỏi về tiền, anh vẫn có thể trả lời căn kẽ số tiền đó đi đâu, tiêu vào việc gì.

Khi được hỏi, vậy có khi nào bị nghi ngờ không? Phạm Đình Quý trả lời, trong ngần ấy năm giữ tiền, chuyện có người nghi ngờ rất khó tránh dù họ thể hiện hay không. Anh cũng có một lần duy nhất bị nhà hảo tâm thiếu tin tưởng do hiểu lầm trong lúc trao đổi. Những lời họ nói lúc đó, không chỉ khiến anh thấy đau, mà còn có ý định từ bỏ tất cả công việc mình đang làm.

Nhưng rồi nhìn vào lũ trẻ, nhìn vào những người đang đặt niềm tin nơi mình, Phạm Đình Quý thấy bản thân nông nổi và vững tâm trở lại. Cũng chính từ bài học đó, anh có thêm kinh nghiệm để minh bạch hóa đầu ra đầu vào của quỹ, loại bỏ hết mức có thể sự nghi ngờ với công việc mà mình đang theo đuổi.

“Người ta cũng hay thắc mắc mình lấy tiền đâu để sống, để ăn và đi như thế trong ngần ấy năm. Sự thật là 2, 3 ngôi trường đầu, mình dùng tiền túi đến nỗi phải đi vay mượn. Sau mình đàm phán với đội thợ sẽ ăn lương bằng đúng một ngày công thợ cho việc trông coi và giám sát công trình. Họ đồng ý ngay vì thấy mình gắn bó đói khổ cùng anh em. Chưa có lúc nào mình nghĩ đến chuyện bớt xén tiền từ thiện hay trích tiền đó ra để trả công cho mình. Vì như thế không còn là làm việc thiện nữa,” Phạm Đình Quý giãi bày.

Trong 10 ngôi trường Phạm Đình Quý xây thì phải đến 8, 9 trường anh được bà con ủng hộ. Sự ủng hộ của người dân hồn nhiên mà thực tế đến nỗi họ sẵn sàng bỏ việc ruộng nương, gùi xi măng, cát, gạch từ dưới chân núi lên tận chân công trình. Với những trường nằm ở địa hình hiểm trở, nếu không có sự giúp sức đắc lực này, công việc gần như bất khả thi.

Nói về cái khổ của Phạm Đình Quý khi xây trường từ thiện thì… vô biên. Bởi ngôi trường nào anh làm cũng khổ, mà cái khổ thì rất đa dạng. Có những trường buộc anh phải cuốc bộ cả chục cây số đường rừng. Có trường không điện, không nước, không sóng viễn thông, bước chân vào là như lạc trong thế giới khác.

Và dù đã quen với cái khổ, anh Quý vẫn nhớ kỷ niệm “khó quên” khi xây trường tại Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đó là điểm trường Thắng Lợi, do nằm ở trên núi cao nên đặc biệt không có nước. Để làm công trình, anh phải mua nước trên ruộng của người dân và chắt chiu từng chút một. Có hôm anh về kiểm tra và ăn cơm cùng anh em thợ. Thấy cơm bốc mùi khó ngửi, anh lần theo đường nước lên tận ruộng và phát hiện đường ống đã bị người dân chuyển sang vũng… trâu đầm từ bao giờ. Hóa ra bao nhiêu ngày nay anh em phải ăn nước bẩn mà không biết. Có lẽ cái khổ đã làm “bình thường hóa” mọi việc.

Hay như khi xây trường Sapả ở Lào Cai. Trường này chỉ cách khu du lịch Sapa khoảng 20 cây số về phía Đông Bắc. Anh cùng nhóm thợ vào làm được chục hôm thì một người dân trong bản trở bệnh. Vậy là người nhà họ kéo nhau ra ngồi ở công trình, không cho làm tiếp, vì họ tin trường xây lên sẽ chắn lối… ma đi.

Lúc đó, công trình đã xong phần móng, tiêu tốn khá nhiều tiền nên anh Quý cố gắng giải thích với bà con. Thậm chí anh còn nhờ lãnh đạo xã tác động nhưng cũng không thành công. Cuối cùng, anh đành dịch cái móng đi 50 phân so với dự định, trong đầu tâm niệm làm từ thiện không đơn giản là “của cho” mà còn phải để ý “cách cho” để bà con yên lòng.

“Dịch móng xong, mình chờ người ta hết ốm mới xây tiếp. Nhưng xây lên bà ấy lại ốm, thế là lại dịch. May mà lần này nữa thì xong. Nhà hảo tâm biết cũng thương, bảo không biết anh em được bao nhiêu tiền mà làm thấy vất vả, khổ quá.”

Trên đây chỉ là hai ví dụ trong vô vàn cái khổ mà Phạm Đình Quý đã trải qua. Với anh, cái khổ thân thực ra không đáng kể bằng cái khổ tâm. Trong quá trình làm từ thiện, điều làm anh buồn hơn cả là bên cạnh những người rất tốt, rất nhiệt tình, cũng có những người bàng quan, thậm chí gây khó dễ.

Anh nhớ như in khi làm một chuỗi chục ngôi trường ở Quảng Ngãi. Trong đó họ có “văn hóa phong bì” rất mạnh mà anh lại cần lui tới thường xuyên để xin xác nhận giấy tờ. Vậy là có người mách, bảo anh bỏ tiền ra cho đỡ vất vả, nhưng Phạm Đình Quý nhất quyết không làm. Bởi khi bước chân vào con đường từ thiện, anh đã lập một lời thề là không bao giờ cho một đồng tiền hảo tâm nào vào phong bì để đi biếu ai. Vì với anh, khi làm thiện nguyện, đồng tiền nó phải đẹp về mọi lẽ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Phạm Đình Quý đã xây khoảng 150 ngôi trường và nhà ở cho các em học sinh miền núi. Với ước mơ xây 1000 ngôi trường rồi sẽ “nghỉ hưu”, anh cho biết hành trình còn dài và cần sự vào cuộc của rất nhiều người, trong đó có các nhà hảo tâm, thầy cô và lãnh đạo địa phương.

Anh kể, có lúc mọi người ủng hộ nhiều tiền nhưng sức lực bản thân có hạn, một năm cố lắm cũng chỉ hoàn thành được vài chục ngôi trường. Việc này vừa không hay vì “om” quỹ, vừa chậm vì còn rất nhiều vùng khó khăn đang chờ. Nên sau nhiều ngày trăn trở, anh đã tìm ra một phương pháp, mà nếu dùng cách này thì làm thêm 1000 ngôi trường nữa cũng xong.

“Tôi tới một trường để khảo sát, tính toán, thấy để hoàn thành công trình cần 500 triệu, chẳng hạn. Tôi sẽ trực tiếp đàm phán với hiệu trưởng là giờ em đưa thầy cô bản vẽ, con số vật liệu và tiền. Thầy cô mua vật liệu, thuê thợ trong vùng rồi tự quản lý công trình. Em mở một group, có cả các nhà hảo tâm trong đó. Công trình làm đến đâu, thầy cô chụp ảnh, quay clip để các bên đều thấy.”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT trong năm 2018, cả nước cần khoảng 150.452 phòng học để xóa phòng tranh tre nứa lá, bán kiên cố, tạm, nhờ, mượn, thuê. Trong đó mầm non 54.700 phòng; Tiểu học 71.289 phòng; THCS 21.700 phòng; THPT 2.763 phòng.

Mô hình đầu tiên theo phương pháp này được anh triển khai ở Quảng Bình đã chứng minh được tính hiệu quả. Chỉ sau một tháng, thầy và trò ở đó đã có ngôi trường mới.

Bàn về kinh nghiệm làm từ thiện, anh Quý cho biết, đầu tiên phải xuất phát từ cái tâm của người làm, nếu chỉ nghĩ đến đánh bóng tên tuổi hay bán hàng, rất khó bền. Ví dụ như khi đi làm trường, không chỉ để tâm tới công trình mà anh còn tặng họ hạt giống, tặng những buổi chiếu phim, chia sẻ với họ về ăn ở, lối sống để không bị bệnh. Điều này Phạm Đình Quý cho là phải xuất phát từ tình thương, không thương không làm được.